Theo các chuyên gia dinh dưỡng biếng ăn là hiện tượng phổ biến ở trẻ em hiện nay khiến các bậc cha mẹ hết sức lo lắng. Để giúp trẻ thích ăn, bạn có thể sử dụng một số món ăn hấp dẫn để kích thích trẻ thèm ăn. Theo đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ biếng ăn là nỗi vất vả của nhiều bậc cha mẹ. Đôi với các trẻ mắc chứng biếng ăn, bạn thường có xu hướng ép con ăn. Tuy nhiên, việc này thường không đem lại kết quả khả quan.
Nguyên tắc cần nhớ khi lên thực đơn cho trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng
Đối với trẻ biếng ăn, việc đầu tiên ba mẹ cần làm đó chính là lên thực đơn thật chi tiết cho con và làm theo thực đơn đó. Dưới đây sẽ là 5 điều cần nhớ khi lên thực đơn cho trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng mà ba mẹ cần lưu ý:
Thực đơn cần được xây dựng dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của trẻ
Nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi trẻ là khác nhau tùy theo độ tuổi và tình trạng biếng ăn của trẻ. Tuy nhiên trong chế độ ăn uống hàng ngày, ba mẹ vẫn cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu cho con:
- Chất bột – đường: có trong gạo, mì, bún, phở, khoai,…
- Chất đạm: có trong thịt, cá, tôm, lươn, cua,…
- Chất béo: dầu, mỡ, bơ, phô mai,…
- Vitamin, khoáng chất và chất xơ: các loại rau xanh, cà rốt, chuối, cam, đu đủ,…
Sáng tạo các món mới lạ
Việc lặp đi lặp lại các món ăn trong thực đơn hàng ngày khiến trẻ cảm thấy nhanh chán và từ đó dẫn đến biếng ăn. Bởi vậy khi lên thực đơn cho trẻ, ba mẹ cần đa dạng trong việc chọn món, thường xuyên cho trẻ tập ăn những món mới để tạo hứng thú cho trẻ khi ăn.
Đa dạng trong chế biến đồ ăn cho trẻ bị biếng ăn
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn đó chính là việc thường xuyên phải ăn những loại thức ăn giống nhau. Bởi vậy khi chế biến đồ ăn cho trẻ, ba mẹ cũng nên thay đổi cách chế biến để món ăn ngon mắt và ngon miệng hơn. Điều này cũng sẽ kích thích trẻ ăn ngon hơn.
Gợi ý những món ăn cho trẻ
Món phở chim bồ câu hầm
Nghe món này có vẻ cầu kỳ, nhưng thực ra rất dễ thực hiện. Chim bồ câu đem hầm với hạt sen, nấm hương, khi nào nhừ thì cho thêm phở và ít mùi. Phở thơm mùi nấm hương, rau mùi, nước hầm thì ngọt, và thịt chim thì nhừ. Mẹ nên thường xuyên thay đổi thực đơn cho bé, lạ miệng bé sẽ ăn nhiều hơn.
Món cá chép hấp gừng
Cá chép (300-500g/con) mổ bụng làm sạch, nhét gia vị vào bụng cá. Gừng băm nhỏ. Cho vào hấp cách thủy hoặc nấu chín, cho trẻ ăn cả nước và thịt cá. Chia 2 lần ăn trong ngày.
Món cháo cá quả
Cá quả (300g) làm sạch, đem luộc chín, gỡ lấy thịt ướp mắm muối, gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy 300 ml nước. Cho gạo tẻ, gạo nếp vào nước xương cá ninh nhừ, khi cháo chín thì cho thịt cá vào quấy đều, khi cháo sôi trở lại là được. Cho trẻ ăn khi cháo nóng ấm, ngày dùng hai lần vào lúc đói. Nên cho trẻ ăn trong 2 tuần, ăn cách ngày.
Món cháo tim lợn
Tim lợn rửa sạch, băm nhỏ, ướp mắm muối, gia vị, rồi xào chín. Cho gạo nếp vào nồi ninh nhừ. Khi cháo gần chín thì cho tim vào, đảo đều, khi cháo sôi lên lại là được. Cho trẻ ăn khi cháo còn nóng ấm, ngày ăn 2 lần vào lúc đói. Một tuần ăn ba ngày không liền nhau để trẻ không ngán.